TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định những chủ trương trong công văn 525 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành là căn cứ trên thực tế của kỳ thi THPT quốc gia 2015 và cơ bản điều chỉnh hợp lý hơn cho năm 2016. Tuy nhiên khi triển khai đặc biệt là khi ban hành quy chế để hiện thực hóa thì cũng cần hết sức thận trọng.
Mỗi tỉnh có một cụm thi thì vấn đề quan trọng tổ chức thi phải đảm bảo an toàn, coi thi nghiêm túc
“Tôi đánh giá trong văn bản của Bộ có 2 điểm rất lớn đã điều chỉnh là về cụm thi và xét tuyển. Thứ nhất là về cụm thi, năm 2015 một số tỉnh không có cụm thi ĐH thì học sinh bắt buộc phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi và thậm chí có 6,7 tỉnh học sinh phải đến Hà Nội hoặc TP.HCM thi. Do đó, việc mỗi tỉnh đều có cụm thi ĐH chủ trì thì thí sinh thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên cần phải lưu ý ở chỗ nếu thí sinh chỉ thi tại một cụm thi trong tỉnh thì làm sao tránh tình trạng thí sinh quen biết nhau, thí sinh học cùng lớp, cùng trường thi cùng phòng với nhau. Nếu việc coi thi không nghiêm túc thì rất dễ xảy ra tình trạng tiêu cực như đã xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây. Vấn đề mấu chốt của việc mỗi tỉnh có một cụm ĐH là tổ chức thi phải đảm bảo an toàn, coi thi nghiêm túc và chấm thi chính xác. Theo tôi đó là tiêu chí cực kỳ quan trọng để bảo vệ những thành quả mà kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có được”, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.
Theo TS Nghĩa, điểm thay đổi thứ hai khá lớn trong phương án của Bộ đưa ra chính là việc xét tuyển. Sau kỳ thi mỗi thí sinh thi ở cụm thi ĐH chỉ được cấp duy nhất một giấy báo điểm trong khi các năm trước hay trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Cách thức đó để giảm ảo cho các trường nhưng thực tế thì vẫn có ảo. Ví dụ như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có tổng chỉ tiêu xét tuyển trong năm 2015 là hơn 12.000 nhưng đến thời điểm chốt cuối cùng của đợt xét tuyển ngày 20/8/2015 thì vẫn có 17.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Như vậy vẫn có gần 5.000 hồ sơ thí sinh không rút ra để nộp nơi khác và đây là số ảo. Vậy thì dù cách tổ chức xét tuyển như thế nào thì vẫn xảy ra tình trạng ảo.
Do vậy với phương án tuyển sinh trong năm 2016 này, mỗi thí sinh trong đợt 1 được đăng ký cùng lúc xét tuyển ở 2 trường khác nhau, mỗi trường là 2 ngành nhưng thực chất mỗi thí sinh sẽ có 2 nguyện vọng. Các trường phải chấp nhận một tỉ lệ ảo khá lớn ngay trong đợt 1, nếu thí sinh đã trúng tuyển vào một trường và đến nhập học tại trường kia thì ở trường thứ 2 dù thí sinh có trúng tuyển thì cũng không thể nhập học được vì mỗi em chỉ có một giấy báo điểm.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Theo tôi các trường phải chấp nhận ảo vì đó là cơ hội tăng thêm của thí sinh. Góc độ thức 2 là chống ảo, bằng cách thông qua cục khảo thí để có bộ dữ liệu để thấy rõ được thí sinh trúng tuyển cả hai trường để có giải pháp sao cho thí sinh chỉ có thể nhập học vào một trường thôi.”
Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng nhà trường hoàn toàn ủng hộ phương hướng mà Bộ vừa đưa ra cách thi, tổ chức thi và công tác xét tuyển của năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Sơn, một số vấn đề về kỹ thuật liên quan đến xét tuyển cần được nêu rõ hơn trong Quy chế thi và tuyển sinh.
Chỉ có một vấn đề trường băn khoăn và mong muốn Bộ làm rõ hơn trong quy chế là về mặt kỹ thuật: tổ chức thi thì đặt địa điểm ở đâu, trách nhiệm của đơn vị nào, các trường ĐH khi về tỉnh thì được hỗ trợ như thế nào để công tác tổ chức của các trường thực hiện dễ hơn. Còn khâu xét tuyển, mong Bộ hỗ trợ về mặt phần mềm để các trường kiểm tra, kiểm dò xem thí sinh nào nộp vượt quá 2 trường để các trường có giải pháp ngăn tình trạng ảo quá nhiều.
Trong xét tuyển, chấp nhận tỉ lệ ảo nhưng tìm cách hạn chế một cách tối đa
Tương tự, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng nhìn nhận văn bản 525 về chủ trương tổ chức Kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy cho thấy mức độ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo và toàn xã hội của Bộ GD-ĐT rất cao và hướng đến quyền lợi tối đa, thiết thực của thí sinh, phụ huynh. Theo tôi, các điều chỉnh “tăng” và “giảm” trong kỳ thi và xét tuyển 2016 đều hợp lý và có sự cân nhắc, rút kinh nghiệm rất kỹ về kỳ thi, xét tuyển 2015.
Tuy nhiên TS Lý cũng cho rằng theo định hướng quan trọng này, để quy chế thi và xét tuyển đúng hướng và khả năng thực thi cao, cần có những lưu ý thêm ở chỗ thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để đăng ký xét tuyển qua bưu điện và trực tuyến (online). Như vậy, thí sinh có được trực tiếp đến trường ĐKXT hay không? Hay bắt buộc phải qua bưu điện và online? Rất nên mở rộng các hình thức đăng ký để tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn của thí sinh bằng cách thí sinh có thể vẫn đăng ký xét tuyển tại trường tổ chức xét tuyển.
“Ngoài ra, thời gian mỗi đợt xét tuyển sau là 10 ngày tức <15 ngày trong quy định thời hạn nhập học, cần lưu quy định rõ nếu đã trúng tuyển đợt trước, ngành ưu tiên trước có được đăng ký xét tuyển các đợt sau, ngành ưu tiên sau hay không?
Dữ liệu kết quả thi của thí sinh cần cung cấp trước cho trường tuyển sinh để tra cứu trong công tác tổ chức xét tuyển nhằm hạn chế sai sót. Sau khi xét tuyển, trường sẽ upload dữ liệu xét tuyển lên hệ thống quản lý thi quốc gia. Hệ thống sẽ đối chiếu, kiểm tra lại. Hệ thống phải có cơ chế cho phép các trường tuyển sinh có thể cập nhật những sai sót này trong khi vẫn có thể tiếp tục cho phép triển khai đợt xét tuyển kế”, TS Trần Đình Lý ý kiến.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục thực chất thì văn bản 525 ban hành vào ngày 3/2 chỉ công bố chủ trương về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 chứ chưa phải là quy chế. Các trường ý kiến rằng cần sớm đưa ra Quy chế thi THPT quốc gia 2016 và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2016 với nội dung cụ thể hơn nữa những quy định, chủ trương về vấn đề tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT ra sao, xét tuyển vào các trường ĐH như thế nào.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa: “Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố kế hoạch tuyển sinh của các trường trước ngày 31/1 nhưng nếu không có quy chế cụ thể các trường khó có thể công bố những kế hoạch tuyển sinh. Lưu ý rằng có những quy định trong năm 2015 nếu vẫn tiếp tục thực hiện ở năm 2016 thì nhiều trường phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh của mình chẳng hạn như quy định tổ hợp môn xét tuyển hay chỉ tiêu theo từng tổ hợp môn… Do đó, Bộ cần ban hành sớm quy chế để các trường sớm hoàn chỉnh kế hoạch tuyển sinh của mình”.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí