Siết quy định chuyển trường công lập sau thi lớp 10 THPT

Để tránh việc chuyển trường sau một thời gian học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng siết quy định, học sinh trúng tuyển ở trường THPT công lập nào phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp trong quá trình học cần phải chuyển trường, phải được giám đốc sở cho phép mới được chuyển.

Giám đốc Sở cho phép mới được chuyển trường

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 (NV1) và NV2. Cả 2 NV đều phải thuộc 1 khu vực tuyển sinh (toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh).

Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký NV2, phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2 vì thế học sinh phải nghiên cứu kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng.

Theo quy định, tất cả học sinh có NV vào trường công lập hay ngoài công lập đều phải tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, để đăng ký dự thi vào các trường công lập, điều kiện bắt buộc là phụ huynh, học sinh phải có hộ khẩu tại Hà Nội. Những học sinh không có hộ khẩu Hà Nội thì sau kỳ thi sẽ lấy điểm thi làm căn cứ xét tuyển vào các trường ngoài công lập.

Về quy định này, theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Phòng Quản lý & Kiểm định chất lượng Giáo dục (Sở GD&ĐT) cho biết, học sinh khi đăng ký dự thi mới chỉ có giấy hẹn lấy hộ khẩu của công an, gia đình phải cam kết trình hộ khẩu trong thời gian sớm nhất. Nếu không có, học sinh đó sẽ không được tiếp tục theo học.

Để tránh việc chuyển trường sau một thời gian học, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng siết quy định, học sinh trúng tuyển ở trường THPT công lập nào phải học ổn định hết cấp học tại trường THPT đó. Trường hợp trong quá trình học cần phải chuyển trường, phải được giám đốc Sở cho phép mới được chuyển.

Có chuyện vận động không cho học sinh thi vào lớp 10 THPT vì thành tích (ảnh: Minh họa)
Có chuyện vận động không cho học sinh thi vào lớp 10 THPT vì thành tích (ảnh: Minh họa)

Có chuyện vận động HS không vào 10 vì thành tích

Liên quan đến quy định, học sinh trúng tuyển trường công lập nào phải học ổn định hết cấp tại trường đó. Khi có trường hợp xin chuyển trường, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường phải họp, dựa trên tình hình thực tế mới đề xuất chấp thuận cho học sinh chuyển, bà Lê Thị Chính, hiệu trưởng Trường THPT Newton chia sẻ, quy định muốn chuyển trường công lập học sinh phải được sự cho phép của giám đốc Sở liệu có là một rào cản gây khó khăn cho học sinh?

“Tôi nghĩ việc một học sinh chuyển trường mà phải Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định, trong khi lĩnh vực của Lãnh đạo sở là giải quyết những chủ trương lớn hơn”, bà Chính băn khoăn.

Về vấn đề này, ông Ngô Văn Chất (Trưởng phòng Quản lý thi & Kiểm định Chất lượng Giáo dục- Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, sở dĩ phải làm vậy vì nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến hiện tượng các trường tự ý nhận và chuyển học sinh, làm mất công bằng giữa các học sinh. Trước khi đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng thí sinh cần phải cân nhắc kỹ, đã trúng tuyển là phải xác định học lâu dài.

Cách làm này tránh tình trạng mất kiểm soát học sinh, nếu học sinh đang học trường 23 điểm lại được chuyển sang trường 56 điểm, như thế là không công bằng với học sinh khác.

Liên quan tới quy định, thí sinh không đăng ký dự thi lớp 10 phụ huynh phải làm đơn. Sau khi Dân trí đăng tải thông tin này, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối, cho rằng điều đó là mất công bằng và ảnh hưởng đến quyền học tập của học sinh. Lý giải điều này, ông Chất cho biết, hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn nhận được rất nhiều đơn phản ánh của phụ huynh về việc nhà trường vận động, ép buộc phụ huynh không cho học sinh dự thi vào lớp 10.

Thực tế là có một số quận, huyện có tới khoảng 500 thí sinh không đăng ký dự thi. Do đó không loại trừ các em được vận động hoặc ép buộc không đi thi vì sợ làm ảnh hưởng tới thành tích nhà trường.

“Để khắc phục, Sở đã yêu cầu các trường nghiêm cấm các trường THCS không được ép buộc hoặc vận động học sinh không tham gia đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, phải có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh", ông Chất nói.

(Nguồn: Báo điện tử Dân trí)