Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay, Bộ chưa tổng hợp hết dữ liệu điểm thi nhưng với cấu trúc đề thi nhằm 2 mục đích như năm nay, có thể nói một cách khái quát điểm thi của thí sinh sẽ thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng cao hơn điểm thi tuyển sinh ĐH năm ngoái”.
Kết thúc ngày 20/7, các Hội đồng thi trên cả nước đã hoàn tất gửi dữ liệu điểm thi về Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT để xử lý dữ liệu, bộ sẽ hoàn thành dữ liệu để công bố điểm thi. Trước ngày 25/7, các sở sẽ gửi xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.
Thí sinh hồi hộp chờ điểm thi!
Trao đổi với báo chí về điểm thi năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện bộ đang tổng hợp, phân tích dữ liệu nên chưa nói được chính xác kết quả thi của thí sinh nhưng với đề thi năm nay có phần cơ bản nên phần lớn những thí sinh khá giỏi có thể làm được phần này. Tuy nhiên, có những câu khó mà thí sinh phải thật giỏi mới làm được. Do đó phổ điểm sẽ phân bố nhiều ở vùng trung bình 5- 6 điểm nhưng số thí sinh đạt điểm cao 9, 10 ít đi.
Tuy nhiên, với cấu trúc đề thi nhằm 2 mục đích như năm nay, có thể nói một cách khái quát điểm thi của thí sinh sẽ thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng cao hơn điểm thi tuyển sinh ĐH năm ngoái. Điểm xét tuyển vào các trường tốp giữa có thể tăng nhưng những trường tốp trên có thể không thay đổi nhiều so với những năm trước.
Theo thứ trưởng Ga, những cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì thường có nhiều thí sinh hệ bổ túc văn hóa nên có thể kết quả thi sẽ thấp hơn các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Thí sinh bị điểm liệt 1 môn thì đương nhiên trượt tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc không được tham gia xét tuyển ĐH, CĐ. Ngoài điểm liệt, thí sinh còn có thể trượt tốt nghiệp do tổng điểm thi và điểm quá trình học tập không đạt yêu cầu. Tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp năm nay có thể giảm đi ít nhiều so với năm ngoái.
Dự kiến trong thời gian từ 20/7 - 31/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển.
Nhiều trường đại học thay đổi, bổ sung phương án xét tuyển
Theo Quy chế tuyển sinh 2015, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký vào một trường ĐH hoặc CĐ, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4; được phép đăng ký tối đa bốn nguyện vọng ngành theo thứ tự ưu tiên, được quyền đăng ký một số tổ hợp môn xét tuyển quy định cho một nhóm ngành và được quyền thay đổi nguyện vọng ngành hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác trong thời gian xét tuyển.
Để đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã bổ sung tiêu chí xét tuyển phụ. Theo đó, trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, Trường sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ sau:
Tiêu chí phụ 1, của chương trình Ngôn ngữ Anh và POHE, điểm môn chính là môn Tiếng Anh. Các ngành còn lại, tiêu chí phụ là điểm môn Toán.
Sau khi sử dụng tiêu chí phụ 1, số thí sinh trúng tuyển vẫn còn vẫn còn cao hơn so với chỉ tiêu quá 5% (nếu chỉ tiêu > 200) hoặc 8% nếu chỉ tiêu =<200, Trường sử dụng tiêu chí phụ 2. Cụ thể:
Ngành/chương trình | Tiêu chí phụ 2 |
1. Ngôn ngữ Anh và POHE | Điểm môn Toán |
2. Các ngành còn lại | Tiêu chí phụ 2 |
2.1 - Xét theo tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) | Điểm môn Vật lý |
2.2 - Xét theo tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) hoặc tổ hợp D1 (Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn) | Điểm môn Tiếng Anh |
2.3 - Xét theo tổ hợp B00 (Toán. Hóa học, Sinh học) | Điểm môn Hóa học |
GS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nếu sau khi đã sử dụng tiêu chí phụ 2, số thí sinh trúng tuyển vào ngành vẫn cao hơn quá 5% so với chỉ tiêu, thì điểm chuẩn sẽ lấy tăng thêm 0,25 điểm. xây dựng điểm trúng tuyển vào từng ngành cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2 (hai) điểm.
Còn trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, dự kiến, trường sẽ cơ bản hoàn thành việc xét tuyển ĐH ngay trong đợt đầu tiên. Trong đợt 2, trường chỉ xét tuyển một số ít các nhóm ngày theo chỉ tiêu tuyển sinh đã đăng ký.
Được biết, ngay sau khi nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo lập tài khoản cá nhân cho thí sinh để có thể đăng ký, sửa đổi nguyện vọng ngành học một cách dễ dàng.
Trường ĐH Y Hà Nội đã quy định thời gian nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1 - 20/8. Trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia kết hợp với điều kiện đăng ký xét tuyển để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của Trường. Môn thi dùng để xét tuyển là Toán học, Sinh học, Hóa học – không nhân hệ số.
Điều kiện để được đăng ký xét tuyển vào trường, đối với hệ Bác sỹ (Y Đa khoa, Răng hàm mặt, Y học Cổ truyền, Y học dự phòng, thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 21 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Đối với hệ Cử nhân (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Y tế Công cộng, Xét nghiệm Y học, Cử nhân Khúc xạ): Thí sinh phải có tổng điểm trung bình 3 môn Toán học, Sinh học, Hóa học từ 18 điểm trở lên ở 6 học kỳ THPT (kể cả thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Lãnh đạo trường ĐH Y Hà Nội cho biết, sau khi có danh sách trúng tuyển, trường này sẽ kiểm tra hồ sơ, học bạ để công nhận trúng tuyển. Nếu thí sinh không đạt điều kiện đăng ký xét tuyển sẽ hủy kết quả trúng tuyển. Trường xây dựng điểm trúng tuyển theo từng ngành. Nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau, sẽ xét tiêu chí ưu tiên theo thứ tự: Ưu tiên 1 - môn Toán học; ưu tiên 2 - môn Sinh học.
(Nguồn: Báo điện tử Dân trí)