Viện Nghiên cứu sự Thịnh vượng Đại học Toronto, Canada sau nhiều năm nghiên cứu về phát triển sáng tạo và vai trò của sáng tạo trong xã hội ngày nay đã công bố: “Tất cả mọi người đều có tiềm năng sáng tạo. Sự tiến bộ và thịnh vượng của tương lai phụ thuộc không chỉ trên sự cố gắng của một nhóm người tri thức tinh hoa mà phụ thuộc vào việc chúng ta có thể khai phá tiềm năng sáng tạo của mỗi một người như thế nào. Kĩ năng và mỗi cá nhân tài năng là những lực lượng chính dẫn dắt sự phát triển kinh tế và tích lũy sự thịnh vượng”. Giới thiệu nội dung
Loài người đang bước vào kỉ nguyên của nền kinh tế tri thức (nền kinh tế mà sáng tạo là kết quả đầu ra), nền kinh tế dựa trên tri thức (sáng tạo vừa là đầu vào, vừa là quá trình và là kết quả) hay các nền kinh tế sáng tạo dựa trên phát minh và ở đó sáng tạo, phát minh trở thành thế lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo sự thịnh vượng của các quốc gia.
Viện Nghiên cứu Thinh vượng (Martin Prosperity Institute (MPI), (2011) sau nhiều nghiên cứu về phát triển sáng tạo và vai trò của sáng tạo trong xã hội ngày nay đã công bố:
Tất cả mọi người đều có tiềm năng sáng tạo. Sự tiến bộ và thịnh vượng của tương lai phụ thuộc không chỉ trên sự cố gắng của một nhóm người tri thức tinh hoa mà phụ thuộc vào việc chúng ta có thể khai phá tiềm năng sáng tạo của mỗi một người như thế nào. Kĩ năng và mỗi cá nhân tài năng là những lực lượng chính dẫn dắt sự phát triển kinh tế và tích lũy sự thịnh vượng.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, lứa tuổi học sinh ẩn chứa nhiều tiềm năng sáng tạo, nếu không chú ý phát triển tiềm năng sáng tạo cho các em thì những tiềm năng đó sẽ dần bị mất đi.
Để ngày càng trở nên giàu có và thịnh vượng, các nước phát triển như Mĩ, Nhật Bản, Úc, Anh, Trung Quốc… đang điên cuồng đầu tư cho khoa học, cho các phát minh và sáng tạo và đua tranh để phát triển năng lực sáng tạo của con người. Chương trình giáo dục của các nước được xây dựng lại, đề cao mục tiêu phát triển năng lực sáng tạo cho người học ở tất cả các lĩnh vực tự nhiên và xã hội, sử dụng những phương pháp dạy học phát triển tiềm năng sáng tạo như giải quyết vấn đề, dạy học kiến tạo, hay khám phá, thực hiện đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh và xây dựng môi trường khuyến khích sự sáng tạo… Các nhà lãnh đạo và các nhà chính trị Mĩ cũng như giới học thuật đặc biệt chú trọng việc phát triển tiềm năng sáng tạo của các công dân nước Mĩ. Nghị sĩ Mĩ William Fisrt cho rằng, khi mà phát minh đang trở thành vấn đề số 1 trên thế giới thì kĩ năng sáng tạo là vô cùng quan trọng.
Phát minh và sáng tạo quyết định tương lai của nước Mĩ. Nhà nghiên cứu Mĩ Brooks cho rằng thay cho việc khuyến khích sự cạnh tranh và tập trung vào phát triển năng lực cạnh tranh thì nước Mĩ nên phát triển năng lực sáng tạo và khả năng độc quyền về sáng tạo và điều đó sẽ giúp nước Mĩ không còn lo lắng về năng lực cạnh tranh trong thế giới toàn cầu. Cookson, một học giả khác của Mĩ đề nghị phát minh lại (reinventing) nền giáo dục của nước Mĩ, thành lập các trung tâm giáo dục thế kỉ 21, trung tâm sáng tạo và phát minh…Nước Mĩ đề ra các chính sách và các chiến lược lớn để phát triển sáng tạo và tài năng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kĩ thuật công nghệ vì một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.Với Nhật Bản, sáng tạo là một kĩ năng cần thiết để phát triển bền vững và tạo nền tảng để xây dựng Nhật Bản là một dân tộc có bản sắc riêng. Đặc biệt sau thảm họa động đất ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua, các nhà lãnh đạo Nhật Bản nhấn mạnh: “Thay cho việc dạy các công dân cách làm việc trong các bộ trang phục của các nhà máy, chúng tôi cần trong tương lai Nhật Bản có thể hoàn toàn phát triển sự sáng tạo của cá nhân mỗi học sinh và với cách định hướng này chúng tôi đảm bảo sự phát triển bền vững của nước Nhật”.
Với nỗ lực để đưa những hiểu biết về giáo dục sáng tạo và phát triển năng lực sáng tạo vào Việt Nam một cách hệ thống và bài bản nhằm giúp các trường học phát triển năng lực sáng tạo của học sinh, TS. Trần Thị Bích Liễu đã viết cuốn sách: Giáo dục phát triển năng lực sáng tạo.
Đây là cuốn sách dành cho cán bộ quản lí giáo duc, giáo viên, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu về giáo dục. Các nhà quản lí giáo dục có thể tìm thấy trong cuốn sách này những cách thức để phát triển nhà trường của mình thành một nhà trường sáng tạo. Giáo viên tìm thấy những hiểu biết, các nội dung và phương pháp dạy học để phát triển tiềm năng sáng tạo cho học sinh. Họ sẽ hiểu rằng, phát triển tiềm năng sáng tạo cho học sinh là cần thiết và không phải là một cái gì đó cao siêu, khó thực hiện mà thực sự là đơn giản và rất thú vị. Học sinh sẽ vô cùng hào hứng khi được khám phá kiến thức và bộc lộ bản thân. Các nhà hoạch định chính sách vận dụng lí thuyết, các khuyến nghị về phát triển năng lực sáng tạo vào việc hoạch định chính sách giáo dục, phục vụ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu các vấn đề lí luận và thực tiễn của giáo dục phát triển tiềm năng sáng tạo trên thế giới và trong nước để định hướng những nghiên cứu sâu và mới trong lĩnh vực này.
Cuốn sách gồm có 04 phần:- Phần I: Một số vấn đề lí luận về sáng tạo;
- Phần II: Dạy học phát triển năng lực sáng tạo;
- Phần III: Kinh nghiệm quốc tế;
- Phần IV: Giáo dục phát triển năng lực sáng tạo ở Việt Nam
Trong phần I tác giả đã làm rõ các khái niệm về sáng tao, giáo dục sáng tạo, quốc gia sáng tạo, cá nhân sáng tạo; tác giả phân biệt các khái niệm sáng tạo, phát minh và sáng nghiệp, trong đó sáng tạo là nền tảng của phát minh và sáng nghiệp. Tác giả trình bày các đặc điểm của các nền kinh tế tri thức, nền kinh tế dựa trên tri thức và sáng tạo và vai trò của giáo dục để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo phục vụ các nền kinh tế này. Tác giả cũng làm rõ đặc điểm của trường học sáng tạo, giáo viên và lãnh đạo sáng tạo, môi trường sáng tạo, đặc điểm của một nền giáo dục và một quốc gia sáng tạo.
Trong phần II tác giả phân tích các vấn đề liên quan đến mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học sáng tạo, trong đó sáng tạo và kĩ năng sáng tạo vừa là mục tiêu, vừa là nội dung giáo dục được giảng dạy bằng các phương pháp sáng tạo, được phát triển bởi các công cụ sáng tạo. Tác giả chỉ rõ,những kiến thức và kĩ năng sáng tạo nào cần được phát triển ở người học và giới thiệu chi tiết 14 kĩ thuật và phương pháp sáng tạo kèm theo các ví dụ về cách sử dụng chúng trong quá trình dạy học và các phương pháp đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh. Tác giả cũng chỉ ra cách thức để xây dựng môi trường nhà trường khuyến khích sự sáng tạo, cách thức để phát triển đội ngũ giáo viên sáng tạo trong trường học.
Phần III tác giả viết về các kinh nghiệm quốc tế phát triển giáo dục sáng tạo từ chính sách đến chương trình giáo dục, thực tiễn giảng dạy, các thách thức và triển vọng. Bài học về giáo dục phát triển năng lực sáng tạo được xem xét qua các nghiên cứu trường hợp ở nhiều nước ở cả 05 châu lục. Tác giả rút ra 5 bài học chủ yếu về phát triển giáo dục sáng tạo ở các nước:
1)
Để phát triển năng lực sáng tạo của học sinh không cần đến những cuộc cải cách giáo dục phức tạp
2)
Các nước có các chiến lược và chính sách để phát triển sự sáng tạo của các cá nhân và toàn xã hội
3)
Có nhiều cản trở khi thực hiện giáo dục sáng tạo và sáng nghiệp (Tâm lí ngại thay đổi, trắc nghiệm khách quan, hạn chế về cơ sở vật chất, môi trường và các điều kiện thực hiện giáo dục sáng tạo, cản trở của chính sách…)
4) Các nước chú trọng đầu tư và phát triển các khóa học đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp sáng tạo, văn hóa và nghệ thuật đáp ứng chỉ số về nền giáo dục sáng tạo
5) Xác định năng lực sáng tạo, sáng nghiệp là những năng lực cơ bản của công dân thế kỉ 21. Kết hợp giáo dục sáng tạo và sáng nghiệp trong các chương trình giáo dục ở các cấp học.
Phần IV dựa trên các phân tích lí luận, tác giả phân tích thực trạng giáo dục phát triển tiềm năng sáng tạo cho học sinh ở Việt Nam, đưa ra 13 khuyến nghị để Việt Nam phát triển nền giáo dục sáng tạo. Tác giả cho rằng, người Việt Nam rất thông minh, sáng tạo, nếu được phát triển các tiềm năng sáng tạo họ sẽ có sự đóng góp lớn và sự phát triển của đất nước và loài người. Tác giả đưa ra một vài bài dạy mẫu về phát triển năng lực sáng tạo của học sinh qua bài học như thế nào.
Cuốn sách cung cấp cho độc giả những kiến thức mới mẻ về sáng tạo, giáo dục phát triển tiềm năng sáng tạo. Tác giả hi vọng, cuốn sách sẽ mang lại một luồng gió mới tạo nên sự thay đổi của nền giáo dục nước nhà, góp phần đào tạo nguồn nhân lực sáng tạo để phát triển đất nước Việt Nam thành một đất nước giàu có và thịnh vượng.
(Nguồn: http://iferdvn.blogspot.com)