Xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH Bách khoa Hà Nội
Điều kiện xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội là thí sinh phải có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 20 trở lên; đạt ngưỡng điểm xét từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia điểm xét ≥ 6.

Ngày 29/7, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tư vấn cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường.

- Thí sinh cần những điều kiện gì khi muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào trường?

Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào hệ đại học chính quy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015 là: Dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường đại học chủ trì và đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; Có tổng điểm trung bình 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 20 điểm trở lên; Đạt ngưỡng điểm xét từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia điểm xét ≥ 6,0 (riêng Chương trình đào tạo quốc tế do các trường đối tác nước ngoài cấp bằng với mã QT31-QT33, ngưỡng điểm xét là: ĐX ≥ 5,5); Điểm chuẩn sẽ được xây dựng theo thang điểm 10 phù hợp. Thời gian nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 1/8 đến 20/8.

Thí sinh có thể nộp hồ sơ tại trường hoặc qua đường bưu điện.

- Khi vào trường có phải có đơn đăng ký hay chỉ cần nộp hồ sơ?

Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm có: Giấy đăng ký xét tuyển (theo mẫu tại trang ts.hust.edu.vn), bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi, có ghi rõ đợt xét tuyển và điểm thi, một phong bì dán sẵn tem, ghi rõ họ tên, địa chỉ báo tin của thí sinh.

Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng vào trường, hồ sơ đăng ký xét tuyển phải nộp thêm các giấy tờ sau để được xét cộng điểm ưu tiên: Phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển (theo mẫu tại trang ts.hust.edu.vn); Giấy chứng nhận đoạt giải của Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia hoặc Hội thi Khoa học kỹ thuật năm 2015.

Nhà trường sẽ lấy điểm từ trên cao xuống thấp, cho đến hết 1.000 chỉ tiêu.

thisinhthicu-4169-1438169041.jpg

Thí sinh thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ảnh: Giang Huy.

- Ở Đại học Bách khoa học một năm học chung rồi đăng ký lại nguyện vọng theo từng ngành phù hợp hay như thế nào?

Khi đã trúng tuyển vào trường rồi thì không có kỳ thi để phân loại học sinh nữa. Tuy nhiên nếu thí sinh muốn đăng ký vào các chương trình đặc biệt thì phải trải qua kỳ kiểm tra đối với môn Toán, Lý (Chương trình kỹ sư tài năng, chất lượng cao); Môn Anh (Chương trình tiên tiến, Việt Nhật Công nghệ thông tin). Sau hết năm thứ nhất em sẽ được phân ngành nhỏ trong nhóm ngành mà mình đã trúng tuyển đầu vào. 

Việc đào tạo cử nhân và kỹ sư khác nhau về thời gian, chương trình đào tạo, định hướng. Sau này sinh viên muốn có bằng kỹ sư thì sẽ học tiếp một năm nếu trước đó là Cử nhân kỹ thuật; học tiếp 1,5 năm nếu trước đó là Cử nhân công nghệ.

- Em được 23,5 chưa cộng, điểm nhân đôi môn Toán là 31,75, điểm cộng vùng của em là 1,5. Vậy liệu em có cơ hội đỗ vào ngành Kỹ thuật Hóa học không?

- Viện Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo 10 chuyên ngành (Công nghệ Các chất vô cơ, CN Vật liệu Silicat, CN Điện hóa và bảo vệ kim loại, CN Hóa lý, Quá trình và thiết bị công nghệ hóa học - thực phẩm, Máy và thiết bị CN hóa chất - dầu khí, CN Hóa dược và hóa chất bảo vệ thực vật, CN xenluloza - giấy, CN Polyme - composite, CN Hữu cơ Hóa dầu). Em có thể vào trang web của Viện để tìm hiểu thêm thông tin (http://chemeng.hust.edu.vn/).

Do từ ngày 1/8 trường mới tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh nên hiện tại chưa có thông tin về điểm chuẩn.

- Có thể đăng ký nguyện vọng thẳng vào chương trình đào tạo quốc tế của trường không và chương trình đào tạo ở SIE thì khác gì so với chương trình kỹ sư hay cử nhân trường đào tạo?

- Thí sinh hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng trực tiếp vào các chương trình đào tạo Quốc tế thuộc Viện Đào tạo Quốc tế Đại học Bách khoa Hà Nội. Hướng dẫn chi tiết được thông báo trên website ts.hust.edu.vn.

Viện Đào tạo Quốc tế xét tuyển các ngành đều không tính điểm nhân hệ số.

Chương trình đào tạo các ngành tại SIE để nhận bằng đại học chính quy của trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì về cơ bản khá giống nhau. Tuy nhiên ở Viện Đào tạo Quốc tế các em sẽ được đào tạo thêm về ngoại ngữ khá nhiều để đảm bảo khi tốt nghiệp phải bảo vệ đồ án bằng ngoại ngữ. Ngoài ra các em sẽ được tiếp cận với một số chương trình đào tạo, các môn học từ nước ngoài, làm việc và được học tập với các chuyên gia tại trường đại học đối tác, cơ hội đi du học cao...

Ở Viện Đào tạo còn có các hình thức đào tạo trong nước hoặc chuyển tiếp ra nước ngoài để nhận bằng tốt nghiệp tại nước ngoài. Và tất nhiên chi phí học tập cũng cao hơn một chút. Thông tin chi tiết em có thể tham khảo thêm tại website: http://sie.hust.edu.vn/

- Em muốn sáng tạo ra thiết bị kiểu như mấy cái tai nghe ở các cuộc hội đàm tầm quốc tế người ta nói một ngôn ngữ có thể phiên dịch ra các ngôn ngữ khác cho những người đến từ các quốc gia khác nghe thì nên học ngành nào?

Em nên học ngành Điện tử, đăng ký vào KT21.

(Lan Hạ, báo điện tử VnExpress)