Thí sinh căng thẳng theo dõi từng buổi nộp hồ sơ

Theo dõi từng thông tin để quyết định nộp, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng, nhiều phụ huynh, thí sinh chia sẻ lo lắng trước quá nhiều đổi mới trong cách tuyển sinh năm nay như một thí sinh chia sẻ “cảm giác chẳng khác nào chơi trò may rủi”.

Phụ huynh lo không khéo tốn kém, mất công hơn

Ngày 11/8, tại ĐH Đà Nẵng, có hàng trăm phụ huynh và thí sinh ngồi đợi nộp/rút hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Hồng Vân (ở huyện Thủy Dương, Thừa Thiên Huế) theo con đi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết hai mẹ con vừa vào Đà Nẵng chiều qua (10/8), và đây là lần thứ 2 chị cùng con trở lại Đà Nẵng để rút/nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển kể từ khi các trường bắt đầu tiếp nhận hồ sơ ĐKXT (1/8). Lần trước , hai mẹ con chị Vân đã ở lại Đà Nẵng 5 ngày để nghe ngóng thông tin rồi mới nộp hồ sơ ĐKXT

Chị Vân nói: “ Như mấy năm trước, thí sinh chỉ cất công đi thi một lần, còn năm nay thì cứ phải đi đi lại lại rồi đắn đo nộp/rút hồ sơ ĐKXT vào ngành nào, trường nào. Thông tin thì mênh mang không biết mô mà lần. Vẫn biết là có đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng hai mẹ con tôi không thể nào mà yên tâm. Thêm nữa, đăng ký trực tuyến rồi vẫn phải in phiếu ra nộp về trường mà qua đường bưu điện thì cũng không yên tâm, nên thôi cứ tới tận nơi cho chắc ăn.

Thí sinh : “cảm giác chẳng khác nào đang chơi trò may rủi”

Không kể tốn kém, mất thời gian, điều làm phụ huynh, thí sinh lo lắng nhất là phương thức tuyển sinh năm nay có quá nhiều đổi mới. Theo dõi từng thông tin đăng ký xét tuyển để quyết định rút hay nộp hồ sơ ĐKXT vào trường/ngành nào, nhiều phụ huynh, thí sinh chia sẻ như thí sinh Phan Hữu Tùng thường trú tại Huế đến Đà Nẵng nộp hồ sơ nói: “cảm giác chẳng khác nào như đang chơi trò may rủi vì quả thật không biết đâu mà lần”

 

2-40097
Thí sinh đến nộp/rút hồ sơ đăng ký xét tuyển tại ĐH Đà Nẵng

Theo thí sinh Tùng, đến tận trường rồi, thí sinh này vẫn phải nghe ngóng thông tin mà vẫn chưa thể quyết định có nên rút hồ sơ ĐKXT khỏi ngành mà mình đã đăng ký xét tuyển trước đó để nộp sang ngành khác hay không, vì “có thể mình lọt khỏi danh sách thí sinh trong nhóm đủ chỉ tiêu tuyển sinh của ngành; nhưng biết đâu các thí sinh trong danh sách này là “ảo”, họ có thể chọn học một ngành khác. Nếu như loại hết hồ sơ “ảo”, mình lại lọt vào nhóm thí sinh đỗ và học thực tế ở ngành mình yêu thích, mà mình lại rút hồ sơ rồi thì uổng quá”.

Một thí sinh ở Đắc Lắc đã khăn gói xuống ở nhà người quen tại Đà Nẵng từ ngày 1/8 để “bám địa bàn theo dõi thông tin ngành học mà em tính đăng ký xét tuyển cho chắc ăn”. Thí sinh này chia sẻ nếu không tìm hiểu kỹ quy chế, không nhờ tư vấn khắp để bình tĩnh hơn thì chắc cũng không khỏi thấp thỏm đi rút hồ sơ mặc dù vẫn nằm trong nhóm điểm an toàn vì “thấy nhiều bạn rút quá, em cũng lo theo sợ mình lọt khỏi nhóm an toàn mà không kịp thay đổi ngành đăng ký”.

Thiệt thòi cho thí sinh vùng sâu, vùng xa

Một thí sinh khác chia sẻ, các bạn có điều kiện cập nhật, nắm bắt thông tin còn thấp thỏm, huống chi các bạn không có điều kiện nắm bắt thông tin nhanh như các bạn ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí có phụ huynh, thí sinh chưa từng tiếp cận công nghệ thông tin là rất thiệt thòi.

Tại bàn tư vấn đăng ký xét tuyển vào Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kom Tum, cô Nguyễn Ngọc Thảo Vy, giảng viên ĐH Đà Nẵng trực hỗ trợ tư vấn tuyển sinh cho thí sinh chia sẻ  đúng là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa cứ đi đi lại lại để nộp, rút hồ sơ thì quá vất vả; mà theo dõi thông tin tại chỗ thì dĩ nhiên các thí sinh ở vùng sâu vùng xa không thể nào nhanh bằng thí sinh ở những vùng có điều kiện hơn. “Phụ huynh, thí sinh lo lắng nhất là những biến động trong thông tin đăng ký xét tuyển (số lượng hồ sơ nộp/rút) và càng về sau càng nhiều biến động nên sợ thay đổi quyết định ĐKXT vào đâu không kịp nếu như ở xa không có điều kiện nắm bắt thông tin nhanh”.

 

1-d9689
Nhiều thí sinh công nhận các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin hơn sẽ thiệt thòi hơn

Trao đổi với PV Dân trí , một cán bộ của ĐH Đà Nẵng cũng nhận định  đúng là qua thực tế, thí sinh có điều kiện cập nhật, nắm bắt thông tin ĐKXT  nhanh hơn (có máy tính, có thể truy cập thông tin trực tuyến liên tục...) thì lợi thế hơn các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế hơn.

Việc phụ huynh, thí sinh tốn kém, mất công hơn vì phải đi đi lại lại nộp/rút hồ sơ là có, nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lo lắng của phụ huynh và thí sinh chưa yên tâm hoặc chưa quen với phương thức ĐKXT trực tuyến. Việc phụ huynh, thí sinh phải đến tận trường rồi lại nghe ngóng chờ đợi thông tin rồi mới quyết định nộp/rút hồ sơ là không cần thiết vì thông tin đăng ký xét tuyển được cập nhật và công bố liên tục qua mạng trực tuyến. Thí sinh nên bình tĩnh đợi đến những ngày cuối của đợt xét tuyển để quyết định chắc chắn hơn.

ĐH Đà Nẵng sẽ sớm công bố dự kiến điểm trúng tuyển

Chiều 11/8, ĐH Đà Nẵng cho biết sẽ sớm công bố dự kiến điểm trúng tuyển vào từng ngành của các trường thành viên dựa trên số liệu thống kê số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến thời điểm trưa 11/8, nhiều trường thành viên ĐH Đà Nẵng như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại ngữ…, tổng số hồ sơ thí sinh ĐKDT đã vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Nhưng số hồ sơ thí sinh ĐKXT nộp vào không phân bổ đều vào các ngành của các trường nên có thể tổng hồ sơ ĐKXT vượt chỉ tiêu nhưng trong từng ngành vẫn có ngành vượt nhiều nhất là các ngành học “nóng”, lại có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu .

ĐH Đà Nẵng cập nhật công bố thông tin đăng ký xét tuyển cụ thể từng ngành của các trường thành viên để thí sinh theo dõi 2 ngày một lần vào lúc 21h các ngày lẻ cho đến ngày 19/8.

(Khánh Hiền, báo điện tử Dân trí)