Thay vì ngồi một chỗ thi năng khiếu thí sinh xét tuyển vào trường ĐH Hoa Sen khối ngành Mỹ thuật chỉ cần nộp tuyển tập tác phẩm của mình.
Theo Ths Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh của trường ĐH Hoa Sen thì trong năm nay có 3 điểm nổi bật trong kế hoạch tuyển sinh của trường. Điểm đầu tiên chính là xét tuyển học sinh có kết quả học tập 3 năm học THPT đạt từ loại giỏi trở lên và hạnh kiểm xếp loại tốt. Để xét tuyển theo phương thức này, thí sinh nộp thêm bài luận thể hiện rõ năng lực, ý chí mục tiêu học tập, nghề nghiệp để trường có thể đánh giá xem thí sinh có phù hợp hay không.
“Điều quan trọng là khâu hướng nghiệp ở các trường phổ thông hiện nay vẫn chưa đủ để cho các em chuẩn bị đủ kiến thức về định hướng nghề nghiệp và nhà trường sử dụng hình thức này để gạn lọc ra những em có hiểu biết, ý chí trong chọn ngành. Đối với trường hợp này thì gần như không cần sử dụng tới kết quả của kỳ thi THPT quốc gia nữa vì đa phần học sinh giỏi dễ dàng đạt điểm cao trong kỳ thi này”, ông Bình cho biết.
Điểm nổi bật thứ 2 là xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm THPT và chứng chỉ Anh văn quốc tế (Academic) đạt IELTS 6,5 trở lên hoặc điểm thi TOEFL iBT 89 trở lên đối với các ngành bậc ĐH; IELTS 6,0 trở lên hoặc điểm thi TOEFL iBT 80 trở lên đối với các ngành bậc CĐ.
Đặc biệt, điểm nổi bật thứ 3 chính xét tuyển dựa trên tuyển tập nghệ thuật đối với 3 ngành thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng gồm Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất. Thí sinh sẽ nộp tuyển tập nghệ thuật gồm 7-10 tác phẩm nghệ thuật mà mình đã từng thiết kế trong quá khứ và kèm theo bài viết mô tả về tuyển tập đó. Nếu đạt điều kiện nhà trường sẽ mời thí sinh đến phỏng vấn trực tiếp trong quá trình đó nhà trường sẽ kiểm tra được tác phẩm đó có phải do chính thí sinh sáng tác hay không, có thể đề nghị thí sinh họa lại tác phẩm của mình. Thay vì thí sinh phải mất 4-5 tiếng ngồi thi năng khiếu thì giờ đây các em chỉ nộp lại tác phẩm của mình đã làm. Mỹ thuật là một quá trình chứ không phải chỉ một khoảnh khắc và hội đồng tuyển sinh của nhà trường dựa vào đó để đánh giá được chất lượng thí sinh. Theo Ths Hoàng Đức Bình, phương thức tuyển này vốn đã được nhiều nước sử dụng để tuyển sinh viên vào học những ngành thuộc khối nghệ thuật.
Năm 2016, Khoa Y - ĐHQG TP.HCM sẽ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 với tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh không nhân hệ số. Với các trường hợp bằng điểm nhau, việc xét tuyển được căn cứ trên tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên như sau: điểm môn Sinh, điểm môn Toán, điểm tổng trung bình cộng của 3 năm học lớp 10, lớp 11, lớp 12. Điểm mới của phương thức tuyển năm nay ở chỗ thí sinh sẽ được sơ tuyển thông qua hình thức phỏng vấn hoặc trắc nghiệm sự phù hợp với ngành y của thí sinh.
Khoa Y đào tạo theo chương trình tích hợp hệ thống, tăng cường thực hành, đặc biệt thực hành bệnh viện và thực hành cộng đồng, tăng cường giáo dục về thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Sinh viên được tiếp xúc với vấn đề sức khỏe, bệnh tật, bệnh nhân và cơ sở y tế sớm, ngay từ năm thứ nhất.
Trường ĐH Luật TP.HCM dự kiến phương thức tuyển sinh được nhà trường thực hiện qua hai bước: xét tuyển và kiểm tra năng lực với ba tiêu chí (xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực).
Quy trình thực hiện sẽ gồm bước 1: xét tuyển điểm trung bình của ba môn thuộc tổ hợp các môn xét tuyển theo các khối thi truyền thống (Khối A, A1, C, D1, 3, 6) gồm: học bạ ở 6 học kỳ THPT và điểm thi THPT quốc gia do các trường đại học chủ trì. Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển mới được Trường thông báo tham gia làm bài kiểm tra năng lực ở bước 2. Nội dung kiểm tra liên quan đến bốn nhóm kiến thức: kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân); kiến thức về pháp luật; và tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh.
Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến (online). Phần kiểm tra năng lực: bài kiểm tra năng lực gồm hai phần: trắc nghiệm và tự luận; điểm đánh giá: Mỗi phần chiếm 50% số điểm của bài kiểm tra. Thời gian làm bài: phần kiểm tra trắc nghiệm là 45 phút và phần tự luận là 60 phút.
Nhà trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực; và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định của nhà trường.
Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển vào trường theo từng ngành.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí